Thạch Sanh đi kiếm củi không may bị trượt chân ngã xuống vực được Lý Thông cứu. Hai người cắt máu ăn thề kết nghĩa anh em: “có phúc cùng hưởng, có họa cùng gánh”. Cuộc sống của hai anh em nghèo khổ, ngày ngày Lý Thông nấu rượu cho Thạch Sanh gánh ra chợ bán. Nợ nần chồng chất, Thạch Sanh đành đi làm thuê cho nhà mụ Tú chủ nợ. Mụ Tú có cô con gái tên Sen rất xinh đẹp, tính tình nghịch ngợm và đem lòng yêu mến Thạch Sanh bởi đức tính thật thà, nhưng Thạch Sanh thì cương quyết không dám đụng vì muốn vun vén cho anh. Lý Thông ở nhà thì luôn muốn làm người tốt: Giúp người bị nạn giữa đường, nhặt được của rơi đem trả lại bằng được cho người bị mất. Đau thay cứ mỗi lần Lý Thông làm việc tốt thì là mỗi lần gánh hậu họa của người đời bởi Lý Thông có gương mặt và ngoại hình liệt vào tướng gian giảo, xảo quyệt không ai tin. Lý Thông vô tình trong một buổi đi săn đã tìm được kho báu và từ đó cuộc sống của hai anh em được đổi đời. Việc đầu tiên Lý Thông nghĩ đến là cứu giúp người nghèo bằng cách nấu cháo phát chẩn, nhưng cũng bị những kẻ ghen gét cho là chơi trội và bị đánh vỡ đầu. Từ đó Lý Thông tự hứa với bản thân mình: Không bao giờ làm việc tốt nữa. Lý Thông đã bí mật đốt chợ, sau đó lại xin với Quan huyện xây lại chợ mới, để thu thêm tiền ngoài tiền thuế của tiểu thương. Nhà vua ở kinh thành nghe thấy có họ Lý bỏ tiền làm việc tốt cho dân thì tặng chữ vàng cho Lý Thông. Rồi “Lý Thông” xuất hiện ở khắp các vùng miền…Càng ngày Lý Thông càng trở nên giầu có và nổi tiếng. Mụ Tú quyết gả Sen cho Lý Thông. Trong lúc đó triều đình bắt lính, Lý Thông đã dùng thủ đoạn để đẩy Thạch Sanh đi lính thay, âm mưu một mũi tên trúng nhiều đích. Thời gian trôi qua, khi Thạch Sanh thắng trận trở về gần tết, cũng là lúc Lý Thông cưới Sen. Đám cưới đang lúc cao trào thì quan tri huyện cùng nhà Vua xuất hiện vạch trần tội ác của Lý Thông. Lý Thông bị trừng trị và người đời nguyền rủa.